Main Nav

Sunday, March 30, 2014

Có thực sự tồn tại linh hồn?

Một số nhà khoa học tìm mọi cách để cân, đo, ghi lại hình ảnh của linh hồn với niềm tin rằng nó tồn tại.
Linh hồn nặng 21g?Vốn luôn nung nấu ý định thu thập bằng chứng về linh hồn, năm 1901, Duncan MacDougall, một bác sĩ phẫu thuật ở bang Massachusetts (Mỹ) đã thuyết phục được một số bệnh nhân gần đất xa trời cho phép ông cân họ trong lúc lâm chung bằng một chiếc cân cải tiến đặc biệt. Trường hợp đầu tiên là một người mắc bệnh lao. Từ lúc bắt đầu hấp hối, người bệnh đã được đặt lên cân. Theo ghi chép của MacDougall: “Ngay khi sự sống vừa ngừng lại thì đĩa cân phía bên không có người bệnh bỗng nhiên trĩu xuống, giống như có thứ gì đó vừa bị lấy khỏi thi thể”. Nhìn trên mặt cân, vị bác sĩ thấy người quá cố đã nhẹ đi 21g.
Có thực sự tồn tại linh hồn? - Tin180.com (Ảnh 1)
Duncan MacDougall, người đã thử dùng cân để xác định sự tồn tại của linh hồn
Hơn một năm sau đó, MacDougall tiếp tục tiến hành thí nghiệm với 5 bệnh nhân khác. Ba người trong số này cũng xảy ra hiện tượng giảm trọng lượng đột ngột từ 11 – 43g khi vừa trút hơi thở cuối cùng. Một trường hợp phải ngừng thí nghiệm vào phút cuối và một trường hợp không thấy cân nặng thay đổi. MacDougall cho rằng, trường hợp này là do người bệnh được đưa lên cân quá muộn. Còn các trường hợp khác, trọng lượng giảm đi do linh hồn thoát ra khỏi cơ thể.
MacDougall lặp lại thí nghiệm tương tự với 15 con chó, nhưng không ghi nhận trường hợp nào giảm trọng lượng khi chết. Kết quả này càng củng cố lòng tin của ông, rằng đây là hiện tượng chỉ xảy ra với con người, vì chúng ta có linh hồn, còn các loài động vật khác thì không.
Phát hiện của MacDougall được đăng tải trên Thời báo New York và một số tạp chí chuyên ngành uy tín. Nó trở thành đề tài cho một số tác phẩm văn học và một bộ phim. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn tin rằng, linh hồn của chúng ta nặng 21g. Tuy nhiên, đa số các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng phát hiện này là vô nghĩa. Quy mô nghiên cứu quá nhỏ, chỉ với 6 bệnh nhân nên kết quả không thuyết phục. Hơn nữa, với trình độ y học khi đó, việc xác định đúng thời điểm người bệnh thực sự lìa đời rất khó chính xác. Chất lượng của cân cũng có thể không đáng tin cậy. Chiếc cân mà MacDougall dùng để cân người bệnh có độ chính xác dao động trong khoảng 5g. Trong khi chiếc cân mà ông sử dụng trong thí nghiệm với chó sau này chính xác tới 1,75g. Có lẽ vì thế mà kết quả 2 thí nghiệm khác nhau.
Giữa hai thế giới
Quan sát thời điểm một người lìa đời để tìm dấu hiệu của linh hồn cũng là ý tưởng mà nhiều nhà khoa học khác quan tâm. Trong một nghiên cứu công bố năm 2009, TS Lakhmir S. Chawla, Đại học George Washington (Mỹ) đã theo dõi 7 trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối khi bác sĩ ngừng các phương tiện trợ sinh (thuốc, máy thở) để họ ra đi nhẹ nhàng. Chawla quan sát chỉ số BIS (chỉ số lưỡng phổ, có giá trị từ 0 – 100, tương ứng với từng mức độ từ hôn mê sâu đến tỉnh táo hoàn toàn). Khi chưa ngừng thiết bị trợ sinh, BIS ở mức xấp xỉ 40 hoặc cao hơn. Khi ngừng thiết bị, BIS giảm xuống dưới 20 trong vài phút và tim ngừng đập. Nhưng điều bất ngờ là sau đó, chỉ số BIS ở cả 7 bệnh nhân chết tim đều tăng vọt lên mức từ 60 – 80. Thời gian này kéo dài từ 1 – 20 phút rồi đột ngột giảm và về gần mức 0.
Linh hồn có thực sự tồn tại? Ảnh minh họa: IE
Một nghiên cứu khác của David Auyoung (Trung tâm Y khoa Virginia Mason, Mỹ) mô tả 3 bệnh nhân tổn thương não. Trước khi ngừng thiết bị trợ sinh, BIS của cả 3 người ở mức xấp xỉ 40, trong đó có một người BIS gần bằng 0. Sau khi rút thiết bị, BIS tăng vọt lên gần 80 và ở mức này trong 30 – 90 giây, sau đó giảm thẳng về gần 0. Bệnh nhân được tuyên bố là đã chết.
Những kết quả nghiên cứu này khiến giới khoa học rất băn khoăn. Điều bí ẩn là tại sao hoạt động điện não có thể bùng nổ sau thời điểm rút thiết bị trợ sinh, khi mà các mô não đã chết về mặt chuyển hóa, không còn nhận được máu và oxy. Một số quan điểm cho rằng, nguyên nhân là do mức kali ngoại bào dư thừa dẫn đến hiện tượng này. Quan điểm khác nghi ngờ nguyên nhân là hiện tượng chết nơ ron do canxi. Tuy nhiên, mọi cách giải thích đến nay đều chưa làm thỏa mãn các nhà nghiên cứu.
Trong giới nghiên cứu tâm linh từ lâu đã tồn tại một giả thuyết cho rằng, trải nghiệm cận tử hay trạng thái ảo thân (cảm thấy đang bay lơ lửng trên cơ thể của chính mình, gặp người thân đã khuất hay nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm) xảy ra khi linh hồn rời khỏi thể xác. Hiện tượng bùng nổ hoạt động điện não trước khi chết càng khiến một số người tin vào giả thuyết này cũng như sự tồn tại của linh hồn. Vấn đề là nếu linh hồn thực sự có trong mỗi con người thì nó tồn tại dưới dạng nào và sau khi chúng ta chết, linh hồn sẽ đi về đâu?
Chụp được ảnh linh hồn?
Kết quả thí nghiệm của MacDougall đã thu hút một số nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc tìm kiếm linh hồn. Năm 1910, Walter Kilner, kỹ thuật viên tại Bệnh viện St Thomas’s (Anh) tuyên bố đã chế tạo được một bộ kính lọc đặc biệt, có thể cho phép quan sát được trường năng lượng của con người. Patrick O’Donnell, một chuyên gia X-quang tại Chicago (Mỹ) đã sử dụng thiết bị này để quan sát một người sắp chết.
Khi bác sĩ tuyên bố bệnh nhân qua đời, O’Donnell thấy trường năng lượng tỏa ra xung quanh thi thể như một vầng sáng và biến mất ngay sau đó. Tiếp tục quan sát thi thể cũng không phát hiện năng lượng nữa.
(theo bee)

Linh hồn dưới góc nhìn các nhà khoa học

Từ trước tới nay, một vài người vẫn cho là có sự tồn tại của linh hồn và nó bất tử, tồn tại trước khi xác thịt ra đời. Do vậy, khi con người chết đi, phần xác phân hủy, nhưng phần hồn thì vẫn tồn tại.
Vậy có hay không có linh hồn? Nếu có thì nó ở dạng thức nào, nó vô hình hay hữu hình? Rất nhiều nhà khoa học đã vào cuộc và đã có rất nhiều nghiên cứu thú vị về vấn đề này.
KH&ĐS xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài tìm hiểu về các nghiên cứu liên quan đến linh hồn, một vài người đã từng tiếp xúc với linh hồn… để độc giả có thêm thông tin về hiện tượng còn nhiều tranh cãi này.
Các quan niệm về linh hồn
Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, chủ nhiệm bộ môn Dự báo, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, linh hồn tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là những quan niệm dân gian về linh hồn. Linh hồn trong quan niệm của người Việt Nam có từ rất lâu đời. Được dân gian ghi chép lại qua ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn như dân gian hay gọi “ba hồn bảy vía”, “hồn lìa khỏi xác”, “hồn xiêu phách lạc”…
Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng đề cập đến chuyện linh hồn trong tập truyện Kiều nổi tiếng rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Nghĩa là cái chết chỉ ở thể xác bề ngoài, còn linh hồn thì vẫn là thứ tồn tại mãi mãi.
Linh hồn dưới góc nhìn các nhà khoa học - Tin180.com (Ảnh 1)Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Dù là người sống hay các linh hồn đều liên tục “phát sóng” và có những tần số nhất định. Đối với những người có khả năng đặc biệt thì tần số của họ hợp với những linh hồn của những người đã chết.
Theo những nghiên cứu của ông Hải thì để tượng này xảy ra cần một điều kiện tiên quyết đó là luân xa số 7 (một huyệt nằm trên đỉnh đầu con người) bị khai mở. Người bị như vậy thường dẫn đến sự ám ảnh và bất lợi cho sức khoẻ cũng như tâm lý của người đó. Hiện tượng này dân gian thường gọi là “sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người”.
Ngược lại, hiện tượng “xuất hồn” và “đa nhân cách” thường với tư thế chủ động của người sống, có thể nắm bắt được những thông tin của người đã chết thông qua linh hồn. Ở hai dạng thức này, người “xuất hồn” có thể “bay” chu du khắp nơi, sau đó kể lại từng chi tiết, từng sự việc, sự vật đúng y như hiện thực mà người khác có thể nhìn thấy.
Theo ông Hải thì có thể hiểu một cách đơn giản rằng: Linh hồn như một cỗ máy. Phần xác là cỗ máy còn linh hồn là người điều khiển cỗ máy đó. Cỗ máy coi như chết khi không có người điều khiển.
Có thể chụp ảnh linh hồn?
Ở một dạng thức tồn tại khác, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã cho rằng, linh hồn mang một lượng năng lượng nhất định. Ở dạng thức này có thể chụp được ảnh linh hồn. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, linh hồn xuất hiện với rất nhiều hình dạng khác nhau. Đó là những hình vòng tròn hoặc hình người méo mó. Những hình ảnh này thường chỉ chụp được duy nhất một lần và không có sự lặp lại. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề chụp được ảnh người chết, ảnh linh hồn đa số người đều cho rằng có sự ngụy tạo, giả dối trong đó.
“Thông qua linh hồn người chết có thể xác định đúng được 47% mộ những người đã mất. 82% giải tỏa được bức xúc tâm lý cho con người. 74% giải quyết mâu thuẫn trong gia đình. 60% góp phần giáo dục con cháu. 34% hướng dẫn đường đi nước bước cho con cháu. Như vậy, có thể nói là hiện tượng linh hồn chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội”.
TS Nguyễn Chu Phác
(Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người)
Mặc dù vậy, ở Việt Nam, một số nhà ngoại cảm vẫn chứng minh rằng đã thu chụp được hình ảnh của người chết. Người ta coi đó là linh hồn của người chết. Ông Hải cho biết, trường hợp của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài chụp được hình của liệt sĩ Lương Xuân Tách, quê Quảng Ninh hồi cuối năm 2010. Khi đó bà Hoài đã gọi linh hồn của liệt sĩ Tách về và xuất hiện lên chiếc điện thoại di động. Trong khi chiếc điện thoại di động đã được tháo pin rời ra.
Trước đó, gia đình liệt sĩ Tách chỉ nhớ mặt con em mình chứ không có một bức ảnh nào được giữ lại để thờ. Khi xem được hình ảnh của liệt sĩ Tách người nhà đã hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, lúc này các nhà ngoại cảm cần một bằng chứng thuyết phục cho việc làm của mình. Sau đó, hài cốt của liệt sĩ Tách được đưa đi xét nghiệm ADN và cho kết quả hoàn toàn đúng.
Từ hiện tượng kỳ lạ này, ông Hải có suy luận rằng, linh hồn có thể mang một lượng năng lượng nhất định? Việc hình ảnh liệt sĩ Tách hiện lên chiếc điện thoại di động chắc chắn phải nhờ đến một nguồn năng lượng nhất định nào đó (khoảng 3,5 – 3,7V – PV). Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, vấn đề này cần nghiên cứu sâu, rộng hơn nữa, bởi vì chúng ta chưa đo được tại thời điểm diễn ra hiện tượng kỳ lạ trên có nguồn năng lượng lạ nào xuất hiện không, và chỉ số đo được là bao nhiêu?
Không chỉ riêng ông Hải mà một số nhà khoa học tin rằng, vấn đề chỉ là thời gian và sự tiến bộ của khoa học để chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này để làm rõ những bí ẩn chưa được giải mã. Trong số tới chúng tôi xin giới thiệu một số nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học trên thế giới trong việc “truy tìm linh hồn”.
“Việc một số người có khả năng đặc biệt là có thật. Tuy nhiên, có một số kẻ xấu tự gán mác cho mình có khả năng ngoại cảm, lừa đảo những người cả tin đã làm cho người dân hoang mang, những nhà ngoại cảm thực sự bị mất uy tín”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải
Theo Bee

Nhân quả báo ứng: Lão đầy tớ hóa gà để trả nợ cũ

Có một cụ bà họ là Thẩm đã kể lại một câu chuyện như sau:
Tại thôn của cụ có một người tên là Triệu Tam, cùng với mẹ là người ở cho nhà họ Quách. Sau khi mẹ Triệu Tam qua đời hơn một năm, vào một buổi tối nọ, ông có một giấc mộng mà như không phải mộng, trong đó mẹ ông nói: “Ngày mai tuyết rơi lớn, bên dưới tường nhà sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh; chủ nhân nhất định sẽ thưởng cho con, nhưng con chớ có ăn. Ta đã từng trộm ba trăm đồng của chủ nhân, Diêm vương nay phán ta chuyển sinh thành gà để trả nợ. Ta đã đẻ đủ trứng trong đời này để trả hết số nợ, nên có thể đi được rồi.”
Hôm sau, quả đúng như lời nói, có một con gà chết cóng dưới bức tường nhà. Chủ nhân thưởng cho Triệu Tam, nhưng Triệu Tam nhất quyết không ăn, mà khóc lóc mang gà mái đi chôn. Chủ nhân cảm thấy rất kỳ quái, mới gặng hỏi lại. Không còn cách nào khác, Triệu Tam đành đem sự thật kể lại với chủ nhân.
Câu chuyện trên là có thật và đã được ghi chép lại. Trên thế giới này, la, ngựa được con người dùng để cưỡi; trâu, dê bị con người giết mổ để lấy thịt. Khó mà biết được nguyên nhân kiếp trước là gì. Những người gian manh xảo trá, trộm cắp của người khác sẽ đều có hậu hoạ về sau, chẳng qua là người ta chẳng mấy khi suy nghĩ về điều này.
(Tư liệu gốc: “Duyệt vi thảo đường bút ký” triều Thanh, quyển 16)
Theo chanhkien

Thu thập bằng chứng về linh hồn dưới góc nhìn khoa học

Các nhà khoa học ngày càng thu thập được nhiều bằng chứng về linh hồn và cuộc sống sau cái chết. Nhưng những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn thực sự tồn tại.
Theo GS Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.
Bên ngoài bộ não
Ông Pim van Lommel, chuyên gia về trải nghiệm cận tử tại Bệnh viện Rijnstate (Hà Lan) đồng tình về vấn đề này. Ông cho rằng, khi ở trạng thái cận tử, “người bệnh không những có ý thức, mà ý thức của họ còn mở rộng hơn bao giờ hết. Họ có thể suy nghĩ hết sức rõ ràng, hồi tưởng chi tiết về thời thơ ấu và cảm thấy sự liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh. Trong khi não họ hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động”.
Nếu linh hồn tồn tại sau cái chết, nó có thể được một cơ thể khác tiếp nhận.
Theo GS Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh): “Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não”.
Có lẽ, ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi trải qua trạng thái ảo thân, cho rằng khi đó phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại bên ngoài cơ thể.
Linh hồn ra đời từ đâu?
Bằng chứng khoa học đáng ngạc nhiên nhất về linh hồn xuất phát từ lĩnh vực cơ học lượng tử, hay nói cụ thể hơn là từ những nghiên cứu về các hiện tượng hạ nguyên tử tạo ra ý thức. Quan điểm truyền thống cho rằng, ý thức của chúng ta được hình thành từ mạng lưới hàng tỷ nơron. Nhưng hai giáo sư Stuart Hameroff (Đại học Arizona, Mỹ – ảnh) và Roger Penrose (Đại học Oxford, Anh) đã xây dựng một lý thuyết, theo đó, ý thức còn là sản phẩm của quá trình tính toán lượng tử diễn ra ở vi ống, một dạng cấu trúc siêu nhỏ của tế bào não.
Trước đây, nhiều người cho rằng một cơ chế như vậy không thể tồn tại, vì các máy tính lượng tử được tạo ra ban đầu chỉ có thể hoạt động ở môi trường vô cùng lạnh chứ không phải ở mức nhiệt độ cao như ở não. Tuy nhiên, những nghiên cứu trong 5 năm gần đây cho thấy, cơ học lượng tử tham gia vào khá nhiều quá trình sinh học không lạnh, trong đó có quang hợp.
Một công trình của Anirban Bandyopadhyay (Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản) còn hé mở khả năng các bit thông tin lượng tử có thể gắn kết trong môi trường nhiệt độ cao của các vi ống đơn lẻ ở tế bào.
Trạng thái gắn kết giữa các vi ống được tạo ra nhờ năng lượng sinh học. Khi quá trình cung cấp máu và oxy ngừng lại, sự gắn kết không còn, nhưng thông tin lượng tử không mất đi. Nó có thể phát tán vào vũ trụ, tồn tại và tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bệnh nhân được cứu sống, thông tin sẽ được não tiếp nhận trở lại. Có lẽ vì thế mà những người từng có trải nghiệm cận tử có thể nhận biết thế giới xung quanh khi họ bất tỉnh.
Nếu như giả thuyết này là đúng, thì câu hỏi đặt ra là: Quá trình lượng tử tạo thành ý thức xuất hiện từ đâu? Câu trả lời, theo GS Penrose và một số nhà khoa học, là từ vụ nổ lớn Big Bang. Theo quan điểm này, mọi dạng ý thức đều được tạo ra cùng thời điểm với vũ trụ. Và nếu linh hồn có tồn tại thì nó cũng gắn với khởi nguồn của vũ trụ.
Sự đầu thai của linh hồn
Ý tưởng của GS Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo GS Hameroff: “Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại”.
DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác.
Ian Stevenson, một trong những chuyên gia tâm thần học hàng đầu nước Mỹ, người sáng lập DOPS bắt đầu thu thập những câu chuyện về tiền kiếp từ năm 1960. Trong số các tài liệu ông ghi nhận được, có nhiều trường hợp một đứa trẻ được sinh ra có bớt ở đúng vị trí vết thương mà các em đã bị trong kiếp trước. Một số luôn bị ám ảnh sợ những sự vật, hiện tượng đã gây ra cái chết trong tiền kiếp.
Stevenson và các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ khẳng định rằng hiện tượng đầu thai thực sự xảy ra. Họ chỉ cố gắng thu thập các bằng chứng về nó. Trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể khẳng định rằng không có linh hồn.
Theo Bee

Lời Nguyền Của Người Tử Tội

Năm 1821, tại thị xã Newtown Montgomeryshire thuộc xứ Walest, có một người đàn ông tên là John Newton mang tội giết người và được đưa ra trước tòa để thẩm phán. Ðứng trước quan tòa ông ta khẳng định tuyên bố rằng ông là người vô tội, nhưng dựa vào những chứng cớ của hai người mà ông ta nói rằng họ sẽ được lợi ích nếu ông chết đi, cho nên những lời ông nói đều vô hiệu. Cuối cùng ông ta bị kết án và xử tử treo cổ.
Nhìn thẳng vào quan tòa với ánh mắt nẩy lửa, Newton thét lớn:
-    TÔI VÔ TỘI! TÔI LÀ NGƯỜI VÔ TỘI! ÐỂ CHỨNG MINH ÐIỀU ÐÓ, TÔI SẼ KHÔNG CHO NGỌN CỎ XANH TƯƠI NÀO MỌC TRÊN MỒ CỦA TÔI. MÃI MÃI KHÔNG CÓ NGỌN CỎ TƯƠI XANH NÀO MỌC TRÊN NGÔI MỒ CỦA TÔIIIII!
Vài ngày sau, John Newton đã bị treo cổ công khai trước quần chúng.  Thật là kỳ lạ khi lễ xử tội bắt đầu thì bỗng đâu một cơn bão kéo tới sấm sét vang rền làm những người có mặt tại hiện trường đều ngạc nhiên và lo sợ…
Sau khi ông Newton chết, xác của ông được chôn trên mảnh đất sau một thánh đường thuộc vùng ngoại ô thành phố.
Khu nghĩa địa này là một mảnh đất xanh tươi với những ngọn cỏ được bón phân cắt tỉa mỗi tuần với những mộ bia nằm từng hàng thẳng tắp trong thật đẹp mắt, nhưng từ khi xác của John Newton được chôn ở đây thì miếng đất này không được hoàn mỹ giống như xưa. Ấy là vì giữa một tấm thảm cỏ xanh mướt lại có một khoảng đất hình chữ nhật trơ trọi mọc một loại cỏ dại bò chung quanh theo khuôn khổ của chiếc quan tài nằm bên dưới.
Mỗi ngày những dân cư đi qua đều có thể trông thấy ngôi mộ của Newton vì thế mặc cảm tội lỗi và nỗi đau buồn về một kẻ bị giết oan càng ngày càng tăng dần trong khu thị xã nhỏ này. Ðể xóa đi những cảm giác ấy, chính quyền địa phương đã nghĩ ra một cách nếu cỏ không tự mọc trên ngôi mộ này được thì họ có thể trồng cỏ lên trên đó. Họ đem những thứ đất tốt đổ lên ngôi mộ trải ra cho đều, sau đó họ rải những hạt cỏ lên rồi tưới nước rất cẩn thận. Nhưng nhiều ngày trôi qua không một hạt cỏ nào nẩy mầm.
Và vài tháng sau người ta lại tìm đủ mọi cách để trồng cỏ, cứ như vậy người ta lại trồng cỏ bón phân tưới nước nhưng trải qua nhiều năm một cọng cỏ xanh tươi cũng không thể mọc được trên nấm mồ của người đàn ông Welsh này.
Vào năm 1852 một vị giáo sĩ tên là Robert Mostyn Price đã đứng lên biện hộ cho người đàn ông bị treo cổ.
Ông ta viết:
Ðã ba năm trôi qua mà chúng ta không thể trồng cỏ  trên nấm mồ này cho dù chúng ta đã dùng đủ mọi cách, đủ mọi phương pháp nhưng một cọng cỏ cũng không thể mọc lên. Vì vậy tôi cùng nhiều người khác  tin rằng đây là sự chứng minh “vô tội” của người đàn ông đáng thương.”
Nhưng khó có thể làm cho người ta chấp nhận được sự thật rằng quan tòa đã xử án sai lầm để một người đàn ông vô tội phải chết. Cho nên một lần nữa họ lại gắng sức làm cho cỏ mọc trên ngôi mồ của Newton bằng cách đổ lên đó một thứ đất phân thật tốt, rồi cấy những cây cỏ xanh tươi dễ trồng nhất rồi tưới nước và chăm sóc rất kỹ lưỡng.
Mọi người hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng thì người ta cũng thấy được những cây cỏ mới cấy bắt đầu trổ lá non; lúc đó ai cũng hớn hở vì cỏ đã mọc được trên nấm mồ Newton rồi như vậy họ sẽ không còn cảm thấy mặc cảm tội lỗi bao trùm trong bầu không khí chung quanh đây nữa. Nhưng tiếc thay chỉ qua một đêm, những loại cỏ dại đã bò lên dầy đặc nuốt chửng mất những cây cỏ xanh tươi vừa mới bắt đầu trổ lá non. Không biết tại sao loại cỏ này lại mọc nhanh như thế? Mọi người không ai có thể hiểu nổi có lẽ chỉ có linh hồn người quá cố nằm bên dưới quan tài mới biết được.
Cũng từ đó không ai màng đến việc trồng cỏ lên ngôi mộ của ông Newton nữa vì họ biết rằng cho dù có trồng thì cũng vô dụng… vì vậy mảnh đất nhỏ xấu xí này tiếp tục đứng vững trong vùng đất xanh mướt màu cỏ non …
Cho đến thế kỷ sau, năm 1941, một người đến viếng khu nghĩa địa này vẫn có thể chỉ đúng ngay ngôi mồ của Newton, một mảnh đất có nhiều cỏ dại bò ngổn ngang theo khuôn của chiếc quan tài vẫn còn nằm giữa mảnh đất xanh tươi đẹp đẽ, đó là chứng cớ thầm lặng về sự phán xét sai lầm của tòa án với lời nguyền của người đàn ông nước Wales.
_________________
(1) Wales là một nước nhỏ nằm cạnh bên nước Anh về hướng tây.
*  Trích từ quyển “Murder Will Out” do nhà sách Sterling Co. ấn hành.  Tamlinh dịch thuật.
(theo tamlinh)

Nghiên cứu phương Tây về luân hồi: Một số người bị trừng phạt trong nhiều đời vì đàn áp Cơ Đốc giáo ở thời kỳ La Mã

Thật bất hạnh khi bị tàn tật hoặc bệnh nan y. Khi thấy những người khác khỏe mạnh và đầy sức sống, những người này chỉ có thể cam chịu đau khổ do bệnh tật gây ra. Mọi người thường kêu Trời vì những bất công mà họ dường như phải chịu đựng. Họ hỏi: “Tại sao tôi lại phải chịu bất hạnh như thế này?”
Về những “bất công” này, những người tu luyện tin rằng đó là kết quả của những điều ác mà họ đã làm trong những đời trước. Nói cách khác, mọi người sống qua nhiều đời và nghiệp lực của họ là một thứ vật chất tạo ra do làm điều xấu có liên quan đến những khổ nạn và bệnh tật trong đời này. Ở phương Tây, nhiều bác sĩ và học giả đã có thể tìm thấy những đời trước của bệnh nhân và nhờ đó xác định được nguyên nhân thật sự của những đau khổ và bệnh tật của họ trong đời này.
Trong quyển sách của mình với tiêu đề “Những ngôi nhà: Chuyện kể của Edgar Cayce về sự luân hồi”, bác sĩ Gina Cerminara đã liệt kê những ví dụ về việc điều trị những bệnh nhân bằng cách đọc những đời trước của họ do Cayce (sinh năm 1877 – mất năm 1945), là một người có khả năng siêu thường nổi tiếng người Mỹ thực hiện. Edgar Cayce có khả năng “đọc” về bệnh nhân ở cách xa hàng ngàn dặm sau khi ông bước vào trạng thái nửa thức nửa ngủ.
Trong số những trường hợp mà Edgar Cayce “đọc”, có một số người được lần ngược trở về thời Đế quốc La Mã cổ đại. Một số bệnh nhân trong số những trường hợp này đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc đàn áp những người theo đạo Cơ Đốc.
Một trong số đó là một phụ nữ 45 tuổi. Bà bị tàn phế vì bệnh bại liệt ở tuổi 36 và phải dùng xe lăn để đi lại. Sau khi thử nhiều cách điều trị không thành công, bà gặp Cayce và đề nghị ông đọc về những đời trước của mình. Bà được biết rằng nguyên nhân của việc bị tàn phế của mình trong đời này là do những việc bà đã làm từ thời La Mã cổ đại. Vào giữa những năm 37 và 68 sau Công nguyên, bà là một thành viên của triều đình khi Hoàng đế Nero đàn áp Cơ Đốc giáo. Bà không chỉ không thông cảm với những người theo đạo Cơ Đốc bị cắt xẻo thịt trong đại hý trường mà còn nhạo báng họ. Cái giá bà đã phải trả cho việc nhạo báng lạnh lùng của mình là bị tàn phế trong đời này.
Một bệnh nhân khác là một cô gái. Cô là một quý tộc trong đời trước vào thời kỳ cai trị của Nero và cô đã thích thú khi xem những người theo đạo Cơ Đốc bị tra tấn trong đại hý trường. Cô thậm chí còn cười lớn khi nhìn thấy một thân thể cô bé bị sư tử xé tan. Người quý tộc vui với những đau khổ của những người đã phải chết vì không chịu từ bỏ tín ngưỡng của mình này đang phải trả giá cho những tội ác của mình bằng căn bệnh lao.
Một trường hợp khác là một nhà sản xuất phim bị bại liệt từ năm 17 tuổi. Ông phải đi khập khiễng. Trong khi đọc những đời trước của ông, Cayce thấy rằng người này cũng đã tham gia vào việc đàn áp Cơ Đốc giáo. Ông ta là một người lính vào thời kỳ đó và được lệnh phải đàn áp những người Cơ Đốc giáo khi những người này không đánh trả lại anh ta. Tội của ông không phải là do việc tuân lệnh với tư cách là một người lính, mà là do chế nhạo những người kiên định vào tín ngưỡng của mình. Việc ông ta bị tàn phế trong đời này là để cảnh tỉnh ông.
Bệnh nhân cuối cùng là một cậu bé. Lưng của cậu bị thương trong một tai nạn ô tô ở tuổi 16 và cậu bị mất hết cảm giác từ dưới đốt sống thứ 5 trở xuống. Cậu ta không thể tự di chuyển và phải dùng xe lăn. Bảy năm rưỡi sau, khi cậu 23 tuổi, mẹ của cậu đề nghị Cayce đọc [về những đời trước] cho cậu, và 2 đời trước của cậu đã được đọc. Một đời cho thấy cậu là một người lính của đế quốc La Mã cổ đại trong thời kỳ đầu của cuộc đàn áp Cơ đốc giáo. Cậu ta đã rất kiêu ngạo và vui sướng với những đau khổ của những người Cơ Đốc giáo. Cậu ta cũng đã trực tiếp tham gia vào cuộc đàn áp. Và do đó cậu ta đã phải chịu đựng đau khổ trong đời này.
Việc đọc đời trước của những người này chỉ ra nguyên nhân thực sự của những nỗi đau khổ của họ — họ đã từng cười nhạo và bức hại những người kiên định vào tín ngưỡng của mình. Đồng thời, việc đọc cho thấy rằng đằng sau những yếu tố gây bệnh trên bề mặt, một thế lực vô hình tồn tại ở một không gian sâu hơn mà ta không biết đến đang điều khiển vận mệnh của con người. Nó cũng giống như một câu tục ngữ cổ của người Trung Quốc, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Đó không chỉ là một câu nói. Măc dù những bệnh nhân trong 2 trường hợp đầu đã không trực tiếp tham gia bức hại nhưng họ đã không ủng hộ chính nghĩa, nên họ phải trả giá bằng sự đau khổ của mình cho những ngu dốt và lạnh lùng của mình trong những đời trước. Còn đối với những người đã trực tiếp tham gia vào việc đàn áp, như trong thí dụ của bệnh nhân thứ tư, họ đã phải chịu đựng đau khổ từ khi còn rất trẻ. Nghiệp báo không bao giờ chệch dù chỉ là một sợi tóc.
Dịch từ:
Theo chanhkien

Linh hồn: Không tồn tại mãi mãi, không làm hại ai

Không chỉ những người nghiên cứu về “tâm linh” khẳng định, sau khi chết “sự sống” của con người vẫn tiếp diễn – linh hồn, mà y học cổ truyền phương Đông cũng thừa nhận linh hồn chính là khí trong mỗi con người.
Vòng hào quang không phải linh hồn mà là vòng trường sinh ai cũng có, độ rộng hay hẹp là do năng lượng tích lũy của từng người. Ảnh: IE.
Tuy nhiên, linh hồn cũng không tồn tại mãi mãi như chúng ta tưởng, nó bao gồm các hạt điện sinh học nên nó vẫn có thể bị phá tan hoặc chuyển từ dạng thức thực thể này sang dạng thức thực thể khác…
Hồn không làm “lợi” và “hại” ai cả
BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, từ xa xưa Đông y đã luôn công nhận con người gồm hai phần hồn và xác. Vì Đông y lấy thuyết âm dương và khí huyết làm chủ. Con người sống được là nhờ âm dương cân bằng và khí huyết đầy đủ.
Khí là vô hình, huyết là hữu hình. Khí có nguồn gốc từ tự nhiên, từ thức ăn, đồ uống – tông khí – đi vào cơ thể và hóa thành dinh khí. Trong cơ thể người gồm dinh khí và vệ khí, dinh khí đi trong huyết quản dẫn huyết đi nuôi cơ thể. Vệ khí ở ngoài huyết quản để bảo vệ cơ thể. Khi người ta chết, Đông y có câu “hữu hình – hữu diệt, vô hình – bất diệt”, nghĩa là những cái nhìn thấy được – hữu hình: Xương, thịt, huyết… mất đi, vô hình – khí tồn tại vĩnh cửu trong không gian.
Hơn nữa, Đông y coi Tâm là chủ thần (sự sống) khi thần mất đi là chết. Thần tồn tại được nhờ khí và huyết, do đó khi người ta tắt thở tức là tâm mất, thần và khí thoát ra ngoài, sau đó kết hợp với nhau và gọi là hồn. Đặc biệt, theo thuyết âm dương, mỗi người có một mức độ âm dương riêng, một trí tuệ, mạch tường, dung diện, tinh ranh… khác nhau cho nên khí và thần của người đó cũng hoàn toàn khác nhau và tồn tại trong không gian. Họ có thế giới riêng và không làm lợi hay làm hại ai, trừ trường hợp cá biệt.
Linh hồn không phải là “hư vô”
Khác với quan điểm của nhiều người cho rằng, linh hồn là vầng hào quang phát ra ở mỗi người, ThS Vũ Đức Huynh, tác giả của hơn chục cuốn sách về tâm linh và cổ học phương Đông khẳng định, vòng hào quang không phải linh hồn mà là vòng trường sinh ai cũng có, độ rộng hay hẹp là do năng lượng tích lũy của từng người.
Vầng hào quang là trường sinh học mang điện tích âm, do sức hút, sức ràng buộc của vòng vía. Vía mang điện tích cả âm và dương. Trong vía có thần thức mang điện tích dương và trong thần thức là phách. Phần hồn bao gồm: Vía + thần thức + phách.
“Theo thuyết Luân Hồi trong Đông y, khi Khí và Thần thoát ra – chết, đối với người là vĩ nhân thì 600 – 700 năm sau sẽ hội tụ và đầu thai vào người khác; Người bình thường, có học vấn, có đạo đức sau 300 năm; Người kém hiểu biết, ít trí tuệ là 80 năm; Người có tội ác, người giống súc vật… sau 30 năm. Việc đầu thai có thể trở thành người hoặc súc vật nhất là những người “xấu”".
BS Nguyễn Xuân Hướng (nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)
Sau khi chết 49 ngày, phần hồn chuyển dạng sang thành vong hồn với cấu trúc tầng nấc là: Thần thức ở trên mang thuộc tính dương; Vía ở phần giữa có cả hai phần mang thuộc tính âm và dương; Phách ở tầng dưới vì độ đậm đặc nhất mang thuộc tính âm. Cấu tố thần thức loãng và nhẹ, song lại là cấu tố chủ đạo của vong hồn. Ba cấu tố này liên kết với nhau bằng mối liên kết lỏng. Liên kết lỏng nhất là giữa Phách với Vía và Thần thức. Phách dễ dàng tách ra khi gặp điều kiện thuận lợi. Nghĩa là lúc đó vong hồn có thể tách làm hai: một gồm vía và thần thức, một chỉ có phách.
Linh hồn cũng có thể bị phá vỡ
Theo ThS Vũ Đức Huynh, phần hồn cũng không thể tồn tại mãi mãi bởi chúng là các hạt điện sinh học. Tùy thuộc mức độ năng lượng sinh học của mỗi vong hồn mà các vong hồn khác nhau có tần số bước sóng sinh học khác nhau, trở thành các vong khác nhau. Các loại tần số này là vô số và tốc độ được xếp từ thấp đến cao và siêu siêu tốc. Cũng vì thế các siêu linh này không còn khái niệm về thời gian và không gian. Siêu linh có mặt ở khắp nơi, ở mọi không gian không tính thời gian. Nói đơn giản là họ có mặt ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, theo ThS Vũ Đức Huynh phân tích, điều đặc biệt là sóng sinh học vận động đa chiều, lan tỏa mọi phương nhưng cũng có thể lan tỏa định hướng theo chủ định của thần thức. Nó không khu biệt vùng như sóng điện từ. Hơn nữa, sóng sinh học là sóng hạt tức là dòng chuyển dịch của các hạt điện sinh học trong bao la. Các hạt vũ trụ trong bao la có thể cản phá lẫn nhau, va chạm vào nhau… Năng lượng sóng vì thế mất dần đi và bị phá tan không còn khả năng “mang trọn vẹn” thông tin đến một nơi thu nào đó. Điều đó cũng có nghĩa vong hồn cũng có thể bị phá vỡ, bị liên kết với một vong hồn mới để biến đổi từ một dạng thức thực thể này sang một dạng khác.
Nhiều “ngoại cảm” bỏ xương động vật vào nơi khai quật liệt sĩ
Theo Thiếu Tướng, TS Nguyễn Chu Phác (Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người), trong 20 năm qua, bộ môn cùng với những người có khả năng đặc biệt tìm được trên 30 ngàn ngôi mộ, đồng thời tìm người mất tích và xác định danh tính người dưới mộ vô danh. Bộ môn đã tiếp xúc trắc nghiệm trên 300 người tự nhận là có khả năng đặc biệt, đã nhận thấy phần lớn số người này là ngộ nhận hoặc hoang tưởng hay cũng có chút ít linh tính. Nhưng một số người có dã tâm dối trá, lòe bịp (ba trường hợp bỏ xương động vật vào nơi khai quật mộ liệt sĩ, nhiều trường hợp bịa danh tính trên mộ vô danh). Chỉ có một số không nhiều là người có khả năng đặc biệt thực sự và có tâm đức trong sáng.
Theo Bao  Khoahoc&Doisong

Câu chuyện có thật về luân hồi: Cuộc hành trình trên biển cả

Bạn tôi, T, là một người tốt. Một ngày nọ, anh hỏi tôi về người bạn của anh, W. W đến từ Đài Loan và anh đã giúp T rất nhiều trước đây. Vì cả hai người họ đều tin vào luân hồi, T muốn biết quan hệ nhân duyên giữa anh và W trong quá khứ.
Tôi nói với T rằng tôi sẽ không nói riêng với anh về mối quan hệ giữa anh với W. Nếu tôi nói ra, nó sẽ được đăng trên Internet. Anh đồng ý.
Thực ra, mối quan hệ nhân duyên giữa con người thường là rất phức tạp và đôi khi là đan xen lẫn nhau. Thêm vào đó, có nhiều điều mà tôi không biết. Tuy nhiên, lý do tôi muốn chia sẻ câu chuyện này là để nói với mọi người rằng nguyên thần một người không chết đi sau khi người đó chết; thay vào đó, nguyên thần vẫn tiếp tục trải qua luân hồi.
Con thuyền lênh đênh trên biển cả
Câu chuyện xảy ra vào thời nhà Tống ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cả T và W đều đang làm việc cho một nhà buôn muối. T là kế toán, còn W là tổng quản lý, và hai người rất hòa thuận với nhau. Người lái buôn rất thích T và thường tặng anh thêm quà hoặc tiền thưởng. Với tính hào phóng, T thường giúp bạn bè hoặc người nghèo tiền tài.
Sau đó, một viên quan lớn trong triều đình bị giáng chức và lưu đày. Vì người lái buôn là bạn thân của viên quan, ông cũng bị liên lụy và tài sản của ông bị sung công. Nhiều người làm của ông cũng bị bắt giữ.
Bởi vì T và W luôn luôn rất tốt với người khác, ai đó đã báo trước với họ về cuộc bắt giữ. Rồi họ bỏ trốn cùng nhau trên một chiếc nhỏ thuyền lênh đênh ở đại dương.
Sau một đêm trên biển cả, T và W vẫn không tới được đất liền. Họ kiệt sức và phải nằm ngủ trên thuyền. Sau đó, gió thổi mạnh hơn và lật úp chiếc thuyền. Trước khi chết, T và W nắm tay nhau nói: “Chúng ta hy vọng sẽ là anh em trong kiếp sau…
Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo
Vào triều nhà Nguyên, cả T và W cùng sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Họ cũng rất yêu thương nhau. Cha mẹ họ tin vào Phật và thường kể cho họ nghe những câu chuyện trong Phật giáo. Với nền tảng này, sau khi lớn lên, họ là những người tốt và rất quan tâm đến nhau. Họ cũng ít coi trọng danh tiếng và tiền bạc.
Sau đó, họ kiếm sống bằng cách bốc dỡ hàng cho một con tàu trên biển. Một lần nọ, khi họ đang dỡ hàng, một cơn gió mạnh thổi tới, đẩy bánh lái và khiến con tàu lao vào đại dương một cách vô định.
Ba ngày sau, tình cờ con tàu đáp vào một hòn đảo hoang với diện tích khoảng 20 km2. Bước chân lên đảo hoang, T và W rất buồn bã và nhớ nhà. Và rồi, họ nhớ những lời mẹ dạy: “Luôn nhớ rằng các con tin vào Phật. Chừng nào các con nghe theo những lời Phật dạy, các con sẽ có một tương lai tốt đẹp.”
Có rất nhiều cây cối trên đảo. Một số loại quả có thể ăn được và rất ngon. T và W làm một chiếc nhà lá và tiếp tục sống trên đảo.
Mười năm trôi qua, vào một ngày nọ, T tới bãi biển xem liệu có thể bắt cá hay không, và thấy rằng một cụ già nằm bất tỉnh ở đó. Anh đưa cụ già lên đảo và W chuẩn bị một số thức ăn. Họ đối xử rất tốt với cụ già, như thể cụ là mẹ họ vậy. Năm năm sau, vào một buổi sáng nọ, cụ già nói: “Ta phải đi đây. Các con đã rất tốt với ta. Ta không có gì để cho các con ngoại trừ một cuốn sách và một đôi khuyên tay bằng ngọc bích. Nếu các con muốn thoát khỏi bể khổ và tu luyện, các con có thể chiểu theo cuốn sách này. Trong quá trình tu luyện, các con có thể gặp phải can nhiễu và đôi vòng ngọc sẽ bảo vệ các con. Hãy nhớ đừng làm hỏng hoặc làm mất đôi vòng ngọc.” Sau khi nói những lời này, cụ già bước ra biển và biến mất.
T và W bắt đầu đọc cuốn sách, như cụ già bảo họ, và nghiêm túc chiểu theo lời chỉ dẫn. Sau đó, họ bắt đầu gặp can nhiễu. Nhưng từ cuốn sách, họ học được cách tự bảo vệ chính mình với đôi vòng ngọc. Sau khoảng 20 năm tu luyện, họ đều đạt viên mãn. Chúng ta không cần nói về chi tiết ở đây.
Quan hệ nhân duyên giữa con người có thể rất khó nhận ra. Đâu là mục đích của những nhân duyên này? Bởi vì nhân duyên trong quá khứ, chúng ta có thể tin tưởng lần nhau, và gặp lại nhau trong vòng luân hồi. Khi một số người biết được ý nghĩa chân chính của cuộc sống, những người khác cũng có thể biết được thông qua họ. Xin hãy trân quý tiền duyên từ quá khứ và cơ hội ngày hôm nay.
Dịch từ:

Câu chuyện có thật về luân hồi: Đạo tặc cũng phải có ‘đạo’

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện có thật về luân hồi của tôi, khi tôi còn là một đạo tặc trước khi tôi bắt đầu tu luyện và đạt đạo.
Câu chuyện bắt đầu vào triều đại Bắc Tống (960 –1127 sau công nguyên). Sau khi liên tục thất trận, triều Bắc Tống cuối cùng đã phải ký hiệp ước ‘Thiền Uyên’ với nước Liêu. Trong hiệp ước đó, Bắc Tống đồng ý cống nạp một số tiền lớn cho nước Liêu hàng năm. Kết quả là, Bắc Tống đã phải thu thuế cao từ người dân, làm bách tính ngày càng trở nên nghèo khổ hơn. Những người dân nước Tống sống gần biên giới giữa Tống và Liêu thì phải chịu đựng khổ cực trong suốt cả năm trời. Ngược lại, nước Liêu đã đạt đến đỉnh điểm của sự thịnh vượng vào thời bấy giờ.
Hồi ấy, tôi được luân hồi thành một vị công chúa của nước Liêu tên là Thiên Hành (天行). Thiên Hành công chúa tính tình khá rắn rỏi và mạnh mẽ. Do sinh trưởng tại phương Bắc nên công chúa có một dáng dấp tương đối đậm đà. Một lão sư tinh thông võ nghệ đã dạy võ cho Thiên Hành công chúa từ khi cô còn nhỏ. Trước khi vị lão sư dạy võ cho cô, ông đã đưa cho công chúa một thanh bảo đao sắc bén đến nỗi có thể cắt sắt ra làm đôi. Vị lão sư nói với công chúa rằng cô phải không được giết người vô cớ. Khi lão sư ra đi thì công chúa đã tròn 20 tuổi. Để lo lắng cho việc hôn sự của Thiên Hành, phụ vương của công chúa đã phải hao tổn rất nhiều tâm tư. Ông đã tìm nhiều người để cô lựa chọn nhưng Thiên Hành công chúa vẫn không ưng một ai. Công chúa cũng luôn cảm thấy sầu muộn về vấn đề hôn sự của mình.
Một ngày, Thiên Hành công chúa có một giấc mơ, trong đó một bạch diện thư sinh vô cùng khôi ngô tuấn tú đọc cho cô nghe một bài thơ:
Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu,
Nhân sanh phồn hoa chi đa thiểu,
Tuế nguyệt du du thiên bách độ,
Công thành danh tựu thân thể khô.
Hà xứ thị vĩnh hằng?
Duy hữu tu luyện phương thành kim cương bất hoại thân!
Tạm diễn nghĩa:
Khi hoa xuân tàn và trăng thu lặn,
Sự phồn hoa nơi cõi người còn được bao lâu,
Hàng ngàn năm dần dần trôi qua,
Đến khi công thành danh toại thì thân thể đã khô mòn.
Cõi vĩnh hằng ở nơi đâu?
Chỉ có cách tu luyện thành thân thể kim cương bất hoại!”

Lúc ấy, công chúa cảm thấy vô cùng thân thiết với người thư sinh này. Đến khi cô định bước tới và chào hỏi thì người thư sinh lập tức biến mất. Cô vô cùng ngạc nhiên và choàng tỉnh.
Sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, cô quay sang nhìn những thị nữ của mình và thấy họ đang ngủ. Công chúa châm lên một ngọn đèn và ngắm nhìn dung mạo như hoa như ngọc của mình phản chiếu lên tấm gương đồng. Mặc dù không có dáng vẻ ‘liễu yếu đào tơ’ của một nàng tiểu thư suốt ngày ở trong khuê phòng, công chúa có một vẻ đẹp cương dương mạnh mẽ. Nhưng vì một vài lý do, cô cảm thấy không có gì là chân thật trong đó. Thời gian liên tục trôi đi như một dòng sông. Làm sao cô có thể bảo trì vĩnh viễn tuổi trẻ và nhan sắc của mình? Công chúa nghĩ về giấc mơ vừa qua và bắt đầu sầu muộn. Cô luôn luôn bất như ý về chuyện hôn nhân của mình. Đột nhiên, một quyết tâm mạnh mẽ thúc giục cô rời khỏi Hoàng cung. “Ta muốn ra đi để tìm kiếm triết lý nhân sinh.” Cô đã quyết định ra đi ngay lập tức bởi vì cô biết rằng phụ vương cô sẽ không bao giờ đồng ý. Cô đã viết một bức thư gửi cho phụ vương: “Thiên Hành sẽ rời khỏi Hoàng cung đêm hôm nay. Thưa phụ vương, xin thứ lỗi cho Thiên Hành đã không chào từ biệt phụ vương. Hài tử phải ra đi một mình để tìm kiếm chính Pháp. Hài tử sẽ tự thân giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử và thoái xuất khỏi tam giới. Đến khi tu thành chính quả, hài tử nhất định sẽ quay trở lại cứu độ song thân!”
Sau khi viết xong bức thư, Thiên Hành công chúa gạt những giọt nước mắt lăn trên má. Công chúa cưỡi trên một con kỵ mã và rời khỏi Hoàng thành với thanh bảo đao. Sáng hôm sau, những thị nữ của công chúa không tìm thấy cô đâu và ngay lập tức bẩm báo với Hoàng thượng. Sau khi đọc xong bức thư, Hoàng thượng đã khóc một lúc lâu. Phải mất một thời gian lâu sau, Hoàng hậu mới làm cho vị Hoàng đế nguôi ngoai đi. Cuối cùng, ông nói một cách lạc quan: “Thậm chí nếu Thiên Hành có ở bên ta, chúng ta cũng vẫn phải xa nhau trong vài chục năm nữa. Nếu hài tử thực sự có thể tìm được chính Pháp và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Khi Thiên Hành còn nhỏ, nó không bao giờ thích thú với những tranh đoạt quyền lợi nơi trần thế. Nó rời khỏi Hoàng cung cũng là một việc tốt. Nó sẽ sống một cuộc sống thanh thản. Ta cảm thấy toại nguyện khi nó được hạnh phúc. Nó một thân võ nghệ và không kể nó đi đâu, không ai có thể bắt nạt nó.” Gần mười năm sau khi công chúa rời khỏi Hoàng cung, phụ vương và vương hậu của công chúa qua đời.
Sau khi Thiên Hành công chúa rời khỏi Hoàng thành, cô đi lang thang trong khoảng 2 tuần cho tới một ngày nọ, khi cô du ngoạn tới một ngọn núi cao có tên là Đại Thanh Sơn. Cô nhớ lại rằng phụ vương cô đã từng nói rằng có một sơn trại trên Đại Thanh Sơn. Theo lời kể của phụ vương, trại chủ tên là Khổng Tâm, tự xưng là ‘kim đao vô địch’ nhưng do chỉ là một người ‘hữu dũng vô mưu’ nên đã bị triều đình nhà Tống cử gian tế xâm nhập. Tên gian tế lẩn trốn tại một nơi phụ cận Đôn Hoàng và đã giết chết trại chủ. Hiện tại sơn trại trên núi đang ở trong trạng thái vô thủ [lĩnh].
Trong khi công chúa đang nghĩ về cuộc đối thoại giữa mình và phụ vương thì một đám lâu la chạy xuống núi và bao vây lấy cô. Dẫn đầu đám lâu la là một đại hán mặt đỏ với cây đại chùy trong tay. Hắn vừa chắn ngang đường vừa nói: “Xú nha đầu, mau đưa tiền ra thì bổn đại gia sẽ tha mạng cho. Bằng không, ta sẽ cho ngươi một chùy.”
“Ngươi dám à! Nếu có bản sự thì lại đây, bổn cô nương sẽ đấu với ngươi một phen!” Thiên Hành rút thanh bảo đao ra và không hề tỏ ra sợ hãi chút nào. Sau một vài phen giao tranh, cây đại chùy của tên đại hán mặt đỏ đã bị thanh bảo đao của Thiên Hành bổ ra làm đôi.
Thiên Hành nhảy lên ngựa và định rời đi, tuy nhiên tên đại hán ôm quyền rồi nói: “Xin cô nương dừng bước. Tại hạ có điều muốn thương lượng, không biết có được hay không?”
“Có gì thì ngươi cứ nói thẳng ra đi.”
“Không biết cô nương có nghe nói về việc bổn sơn trại đang trong trạng thái vô thủ [lĩnh] hay chưa. Hôm nay thấy cô nương võ nghệ siêu quần, nhất định là người hành hiệp trượng nghĩa. Chúng tôi mong cô nương lên núi làm trại chủ, huynh đệ chúng tôi nguyện nghe theo sự điều khiển của cô nương.” Thiên Hành thầm nghĩ mình đang không có nơi nào để dung thân nên đã đáp ứng yêu cầu của họ. Kể từ đó, Thiên Hành trở thành trại chủ của sơn trại.
Trong mười năm sau đó, Thiên Hành và nhóm thổ phỉ này đã giết chết nhiều tham quan trụy lạc và kẻ giàu có ăn chơi sa đọa. Họ đã bảo vệ sự công bằng cho rất nhiều người. Tuy là hành hiệp trượng nghĩa nhưng họ cũng đã giết hại rất nhiều người. Người dân quanh đó đã đặt cho Thiên Hành một cái tên – ‘bảo đao nữ hiệp’. Trong lúc nhàn rỗi, Thiên Hành thường nghĩ rằng: “Ta đã rời Hoàng cung để tầm Đạo cầu Pháp, nhưng số phận run rủi đã dẫn dắt ta trở thành cường đạo! Than ôi! Khi nào ta mới tìm được chân Pháp để tu luyện đây?”
Hai ngày sau, trong khi Thiên Hành và băng nhóm đang tụ họp trong sơn trại ăn thịt uống rượu thì một tên tiểu lâu la vào bẩm báo: “Ở dưới núi có khoảng sáu người đang đi ngang qua, trông rất giống mấy tên tham quan và nhà giàu. Liệu chúng tôi có nên ‘mãi mại’(cắt hợp đồng) với chúng?”
Thiên Hành ra lệnh: “Cứ làm như mọi khi. Tại sao nhà ngươi chần chừ thế?”
Một lúc sau, tên lâu la quay lại bẩm báo: “Chúng tôi đã giết chết tất cả bọn họ, ngoại trừ một tên có dáng dấp thư sinh. Khi chúng tôi định hạ thủ thì hắn nói rằng hãy để hắn vào nói với trại chủ ba câu rồi muốn làm gì hắn cũng được.”
Thiên Hành nói: “Kẻ nào có gan nói ra những câu này? Đem hắn lên đây. Ta muốn xem mặt mũi hắn ra sao.”
Không lâu sau, người thư sinh được đưa lên núi trong tư thế bị trói. Thiên Hành thầm nghĩ: “Dường như ta đã gặp hắn ở đâu rồi thì phải.” Nhưng cô không có thời gian để nghĩ ngợi. Cô trừng mắt nhìn anh ta rồi quát: “Nghe nói ngươi muốn nói vài lời với bổn trại chủ. Nói nhanh lên rồi chịu chết.”
Người thư sinh không có vẻ sợ hãi chút nào. Anh ta nói với Thiên Hành: “Nghe nói trại chủ được dân chúng vùng phụ cận phong cho đại danh là ‘bảo đao nữ hiệp’, nhưng hôm nay được gặp mặt mới thấy rằng cũng chỉ là hư danh.”
Thiên Hành cảm thấy rất không vừa ý. Cô hỏi: ‘Ngươi định ám chỉ điều gì?”
“Người hành hiệp trượng nghĩa không bao giờ lạm sát người vô tội. Nhưng hôm nay cô nương không thèm hỏi xem tại hạ là ai, đây có phải là tùy tiện giết người hay không?”
Thiên Hành đáp: “Được rồi, để ta hỏi ngươi mấy câu. Tại sao ngươi lại đi cùng những người đó?”
“Tại hạ là nhân sĩ vùng Liêu Đông, tên là Lý Bằng Phi. Tại hạ đi học từ thuở còn nhỏ, sau đó được gặp một vị sư phụ dạy cho pháp môn tu luyện. Sư phụ từng nói với tại hạ hãy đi lên núi Hoa Sơn để tìm gặp một cao nhân dạy cho cách thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trên đường tới núi Hoa Sơn, tại hạ gặp những viên quan và người giàu có đó rồi đi cùng với họ. Bây giờ đến lượt tại hạ hỏi cô nương vài câu hỏi. Thứ nhất, khi nào thì cô nương ngừng việc sát nhân? Thứ hai, cô nương có cảm thấy mất tự do khi sống trong thế giới con người này hay không? Thứ ba, cô nương có biết rằng ‘thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ chính là đạo lý của thần linh trên thiên thượng hay không?”
Thiên Hành trở nên sững sờ và không nói được câu nào sau khi nghe xong những lời này. Đột nhiên cô nhớ lại giấc mơ mà cô đã có về người thư sinh. Cô nghĩ rằng: “Có thể nào người đàn ông này đã xuất hiện trong giấc mơ của ta?” Cô tự mình cởi trói cho anh ta và lệnh cho đám lâu la đưa anh ta đi.
Đêm hôm ấy Thiên Hành trằn trọc mãi không ngủ được. Cô cứ nghĩ mãi về vấn đề nhân sinh, hôn nhân và lý tưởng của mình. Một điều cứ ám ảnh cô mãi là cô đã giết rất nhiều người trong 10 năm qua và là thủ lĩnh của một băng nhóm thổ phỉ. Một khi cô bắt đầu tu luyện, quá khứ sát nhân của cô có gây chướng ngại cho cô không? Ngoài ra, cô đã phát triển rất nhiều thói xấu khi là trại chủ ở sơn trại này. Cô có khả năng loại bỏ những điều ấy nếu tu luyện trong đời này hay không? Cô không ngừng nghĩ ngợi về những vấn đề này và không sao ngủ được.
Ngày hôm sau, cô kể về nỗi khổ sở của mình cho Lý Bằng Phi nghe. Bằng Phi nói: “Không có vấn đề gì chừng nào cô nương còn có thiện niệm và thiện hành. Phật chỉ nhìn vào tâm người. Cổ nhân có câu: “Tri thác năng cải thiện mạc đại yên.” (Người tự biết lỗi và cải thiện chính mình thật là bao dung vĩ đại). Phật Pháp có sức mạnh tiêu diệt những quan niệm hậu thiên và đưa con người trở về bản lai thuần chính. Ngoài ra… Cô nương đã quên mất tại hạ, tại hạ sẽ luôn ở bên cô nương. Nếu có vấn đề gì thì xin cô nương cứ nói với tại hạ để chúng ta cùng giải quyết!”
Nhìn Bằng Phi thân đầy chính khí, Thiên Hành bất giác nảy sinh lòng ngưỡng mộ. Cô thầm nghĩ: “Ta rất vui lòng tầm Đạo cầu Pháp với người thư sinh này. Huống hồ anh ta rất giỏi thơ phú, và ta sẽ không buồn chán khi ở bên anh ta.” Cô bèn phóng tâm nói với Bằng Phi: “Kể từ bây giờ, nếu ngươi không đối xử tốt với ta, ta sẽ cho ngươi nếm mùi bảo đao đấy!” Bằng Phi nói: “Tại hạ đâu dám bắt nạt cô nương. Chừng nào cô nương không lớn tiếng hay nổi cơn thịnh nộ, tại hạ sẽ vô cùng biết ơn!” Hai người cười nói với nhau một lúc. Và rồi Thiên Hành triệu tập tất cả huynh đệ trong sơn trại để an bài sự việc của hai người. Sau đó hai người họ thành thân và cùng nhau xuống núi.
Khi đến chân núi Hoa Sơn, hai người hỏi bất cứ ai mà họ gặp về vị cao nhân kia. Họ không ngừng hỏi từ chân núi cho tới tận đỉnh núi, nhưng không ai từng nghe về một cao nhân như vậy. Trời đã bắt đầu tối, cho nên họ phải nghỉ qua đêm trong một ngôi miếu hoang trên đỉnh núi. Sáng sớm hôm sau, họ được chứng kiến cảnh Phật quang xuất hiện trên đỉnh núi. Tới tận hôm nay, tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc thiêng liêng ngày hôm đó! Đúng là:
Thất thải phật quang tự thiên hàng,
Vạn bàn tường thụy phá mê mang
Thù thắng mỹ diệu mãn khung vũ,
Thần Phật từ bi chiếu đại thiên!”

Tạm diễn nghĩa:
Phật quang chiếu thẳng xuống từ bầu trời như bảy sắc cầu vồng,
Ánh sáng huy hoàng xua tan đi đám sương mù buổi sớm,
Thật là một cảnh tượng thiêng liêng và mỹ diệu,
Sự từ bi của Thần Phật tỏa sáng trên thế giới này!”

Họ vô cùng vui sướng và mong ước một điều thật kỳ diệu sẽ xảy đến.
Và rồi một điều gì đó thậm chí còn khó tin hơn đã xảy ra: Trong ánh quang huy, một vị Phật to lớn (cự Phật) xuất hiện, thật vô cùng đẹp đẽ và uy nghiêm! Với đài sen vàng dưới chân, Phật du hành khắp mọi nơi và cứu độ chúng sinh với lòng từ bi vô hạn, đồng thời hiển hiện chân tượng trước mặt những người tu luyện chân chính để điểm hóa cho họ! Cặp vợ chồng khấu đầu không ngừng trước vị Phật. Vị cự Phật chỉ nhìn họ rồi nói một câu: “Dụng tâm lai tu, tất thành chính quả.” Rồi Phật biến mất trong ánh kim quang.
Cặp vợ chồng ôm chầm lấy nhau trong nước mắt! Họ chưa bao giờ hy vọng sẽ có cơ hội được gặp và nhìn tận mắt một cự Phật trong giây phút thiêng liêng ấy! Họ nghĩ: “Chúng ta chắc phải tích được rất nhiều phúc phận từ những kiếp trước!” Kể từ đó, họ sống trên ngọn núi Hoa Sơn và bắt đầu tu luyện. Mỗi khi họ thiếu Phật Pháp để chỉ đạo tại mỗi tầng thứ, họ lại nhận được những điểm hóa trong giấc mơ để giúp họ tiếp tục thăng hoa. Sau khi tu luyện trong gần 30 năm, khi đang ngồi đả tọa vào buổi trưa, họ đột nhiên nghe được tiếng Pháp nhạc trên bầu trời. Không lâu sau, nhiều đóa hoa trong suốt rơi xuống từ trên không trung, trông mười phần mỹ diệu. Sau đó, hai người họ bắt đầu phiêu đãng bay lên; cơ thể họ trở nên thông thấu (trong suốt) và vô cùng uy nghiêm. Rồi họ lại trông thấy vị cự Phật đang cười với họ. Sau đó, từ trên thiên thượng bay xuống một đài sen cùng một con hạc tiên. Thiên Hành bước lên đài sen còn Bằng Phi cưỡi trên lưng hạc tiên và bay lên trời. Những đám mây đầy màu sắc cũng theo họ bay lên trên thiên thượng.
Lời kết:
Có một câu nói của cổ nhân Trung Hoa: “Đạo tặc cũng phải có ‘đạo’”. Không kể là chúng ta đã làm gì trong quá khứ hay bao nhiêu việc xấu chúng ta đã làm, chúng ta vẫn có thể đạt viên mãn chừng nào chúng ta còn tinh tấn trong tu luyện. Câu chuyện về luân hồi của tôi đã minh chứng rất rõ điều này.

Chuyện Luân hồi của Gopal Gupta

Gopal Gupta sanh ngày 26 Tháng 8 Năm 1956 tại Dehli Ấn Ðộ. Cha mẹ của Gopal thuộc giai cấp trung lưu, học vấn không đáng kể. Từ lúc lọt lòng đến lúc 2 tuổi không có gì đặc biệt.
Khi Gopal bắt đầu biết nói từ khoảng 2 đến 2 tuổi rưỡi, có một người khách đến thăm gia đình Gopal. Cha của Gopal sai Gopal đem cất cái ly người khách vừa uống xong. Gopal đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Em nói rằng: “Con không thể làm việc đó vì con là một Sharma (thuộc Bà La Môn, một giai cấp thượng lưu của Ấn Ðộ). Trong cơn giận giữ, Gopal đã làm vỡ cái ly. Cha của Gopal bắt Gopal giải thích lý do. Gopal liền kể lại vài chi tiết về tiền kiếp của em. Em cho biết trước kia em ở thành phố Mathura, cách xa Dehli 160 dậm về phía nam. Em là chủ nhân một hãng thuốc Sukh Shancharak, có một căn nhà rất lớn, có nhiều đầy tớ, có hai người anh và một người vợ. Em đã cãi nhau với một trong hai người anh và đã bị bắn chết.
Gopal cho biết ở tiền kiếp em thuộc dòng dõi Bà La Môn nên từ chối không chịu cất ly vì người Bà La Môn thường không bao giờ cầm những vật dụng gì mà người giai cấp thấp hơn đã đụng tới. Gia đình của Gopal hiện tại thuộc dòng Bania, giai cấp thương mại.
Cha mẹ của Gopal không có liên hệ gì với Mathura, nên sự phát hiện của Gopal về tiền kiếp không gợi cho cha mẹ Gopal một ký ức nào cả. Mẹ của Gopal không thích và cũng chẳng bao giờ khuyến khích Gopal nói về tiền kiếp cả. Cha của Gopal thì lại càng lạnh nhạt với những câu chuyện về tiền kiếp khi Gopal kể. Tuy nhiên thỉnh thoảng cha của Gopal có kể lại cho vài người bạn nghe về chuyện tiền kiếp của Gopal. Một trong những người này cho biết hình như ông ta có nghe thấy một vụ giết người trùng hợp với câu chuyện trên ở Mathura, nhưng cha của Gopal chưa tin nên cũng chẳng mấy quan tâm để đi Mathura tìm hiểu sự việc có thật hay không.
Cho đến năm 1964, nhân cơ hội có một buổi đại hội về tôn giáo tổ chức tại Mathura, cha của Gopal trong lúc đi dự hội đã khám phá ra là tại Mathura có hãng thuốc Sukh Shancharak. Ông tìm đến Hãng thuốc và được gặp viên Quản Lý. Ông kể lại cho Viên Quản Lý nghe chuyện Gopal nói về tiền kiếp. Viên Quản Lý rất ngạc nhiên vì có một chủ nhân của hãng này đã bị người anh ruột bắn chết cách đây mấy năm. Người chủ này là Shaktipal Sharma chết ngày 27 Tháng 5 năm 1948, vài ngày sau khi bị bắn.
Viên Quản Lý báo cho gia đình Sharma biết việc viếng thăm của cha Gopal. Vài người trong gia đình Sharma đã tới Dehli thăm gia đình Gopal và đã mời Gopal tới Mathura. Trong những cuộc gặp gỡ tại Mathura cũng như Dehli, Gopal đã nhận ra một số người và một số nơi mà trước kia Shaktipal đã quen biết và thêm vài tin tức đặc biệt về đời tư của Shaktipal Sharma. Gia đình của Sharma rất ngạc nhiên vì Gopal đã cho biết trước đây Shaktipal Sharma dự định muốn mượn một số tiền của vợ và muốn lấy số tiền để cho anh mình vay hùn vốn vào công ty. Cuộc cãi vã đã xảy ra giữa hai anh em, Shaktipal muốn cho người anh nguôi giận đã tăng số tiền cho vay lên nhưng người vợ lại từ chối không cho. Do đó người anh đã cáu kỉnh và trong lúc nóng giận đã bắn Shaktipal Sharma. Chi tiết của tấn thảm kịch này đã được dấu kín không ai được biết ngoại trừ những người trong gia đình. Vụ người anh giết em này đã được đăng tải trên báo chí. Sự hiểu biết tường tận về nội vụ cùng với sự nhận dạng được một số người trước đây đã quen với Shaktipal khiến cho gia đình của Shaktipal Sharma phải công nhận Gopal chính là hiện thân của Shaktipal. Song song với những lời tuyên bố về tiền kiếp, Gopal đã tỏ ra phong thái của một người Bà La Môn giàu có cho nên cá tính của em đã làm trở ngại không ít đến gia đình hiện tại của em. Em đã không ngần ngại nói rằng em thuộc giòng dõi cao quý hơn những người hiện tại của gia đình em. Em đã từ khước những công việc nội trợ cho rằng những công việc này chỉ đáng để cho những người đầy tớ làm mà thôi. Em không bao giờ uống sửa nếu sửa nếu được rót vào một cái ly đã có người khác sử dụng.
Tiến Sĩ Jamua Prasad đã từng cộng tác với tôi (Ian Stevenson) nhiều năm trong nhiều trường hợp tại Ấn Ðộ, đã bắt tay điều tra vụ này năm 1965. Riêng tôi bắt đầu vào năm 1969 khi tôi đích thân phỏng vấn hai gia đình tại Dehli cũng như Mathura. Tôi vẫn còn liên lạc với họ cho đến năm 1974. Sau khi đi thăm Mathura vào năm 1965 thì Gopal không có ý định đến thăm nơi này nữa. Vài năm sau 1965 thỉnh thoảng Gopal có đến Dehli thăm hai người chị của Shaktipal. Nhưng sau đó thì sự liên lạc giữa hai gia đình đã không được duy trì nữa. Gopal càng lớn lên thì cái phong thái Bà La Môn của tiền kiếp thể nhập nơi anh ngày dần biến mất và anh từ từ hòa mình với đời sống khiêm tốn của gia đình hiện tại. Anh cũng ít nói đến đời sống của Shaktipal Sharma, nhưng đến cuối năm 1974 cha của Gopal vẫn nghĩ rằng con của ông còn nhớ đến những ký ức của chuyện này.
Ðối với tôi (Ian Stevenson) trường hợp luân hồi này rất đáng được kể đến vì sự trung thực, làm sao Gopal có thể biết rõ về lúc sống cũng như lúc chết của Shaktipal Sharma. Tuy Shaktipal Sharma thuộc một gia đình khá giả tại Mathura và việc anh bị thảm sát đã làm xôn xao dư luận nhưng hai gia đình Sharma và Gopal đã sống ở hai thành phố cách xa nhau và thuộc hai giai cấp khác hẳn nhau. Ðời sống xã hội của hai gia đình ở trong hai qóy đạo riêng biệt và chính tôi tin tưởng mãnh liệt là hai gia đình theo như lời họ thuật lại đã không bao giờ được biết nhau cho đến khi xảy ra sự việc trên.
Tác giả: Tiến Sĩ Ian Stevenson

Những ‘người chết đầu thai’ làm náo loạn đất Hòa Bình

Những trường hợp “đầu thai” tại bản Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) diễn ra từ hàng chục năm nay. Những đứa trẻ khi sinh ra hoàn toàn bình thường, đến khi 3-4 tuổi lại nhận mình là… con của những gia đình khác xa đến cả chục cây số.
Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là đầu thai ở huyện Mai Châu là có thật…”.
“Kiếp trước cháu là con trai”
Hà Thị Mai Anh (SN 1995, hiện đang học lớp 9, trường phổ thông cơ sở thị trấn Mai Châu), con gái duy nhất của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị Tý là một trường hợp như thế. Anh Bái cho biết, vợ chồng anh lấy nhau từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 5 năm sau mới sinh được Mai Anh. Từ lúc mới sinh cho tới khi cháu 4 tuổi, mọi biểu hiện cũng bình thường như những đứa trẻ khác và vì chỉ có một mình con nên đi đâu vợ chồng cũng cho con đi cùng.
Trong một lần đi dự đám cưới một người quen tại bản Nhót (xã Nà Mèo là xã kế bên), vợ chồng anh bận giúp chủ nhà làm cỗ nên gửi cháu cho mọi người trông giúp. Khi công việc đã xong, anh quay ra tìm thì thấy cô con gái của anh đang lẵng nhẵng theo một phụ nữ tầm tuổi vợ anh khóc mếu “Mẹ ơi”.
Lạ lùng ở điểm nhìn thấy cha mẹ đẻ thì cô bé cứ “bơ” đi mà bám chặt lấy người phụ nữ lạ mặt liên tục gọi “mẹ”. “Lúc đầu vợ chồng tôi nghĩ chắc con mình tưởng nhầm. Thấy lạ, mọi người trong đám cưới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”. Chúng tôi chết điếng người khi rõ ràng mình đẻ ra nó mà nó không nhắc đến, lại nhận là con của ông bà Lường Văn Tuấn – Hà Thị Ân lạ hoắc nào đó. Nó còn nói “Cháu có anh trai tên Lường Văn Tú còn cháu tên là Lường Văn Hải nhà ở bản Nhót, trước nhà có cây muỗng to, nhà được làm bằng đất 2 tầng (ý nói nhà sàn)”. Đến lúc này mọi người trong đám cưới mới ồ lên kinh ngạc”, anh Bái thuật lại.
Anh Khà Văn Ôn trước di ảnh con “đầu thai”.
Nghĩ con mình bị… dở hơi nhưng anh vẫn phải chiều theo ý con, đưa cháu theo người phụ nữ lạ về nhà thì càng ngạc nghiên hơn khi mọi điều cháu nói đều chính xác. Ông bà, cô bác tới chơi cháu đều gọi tên chính xác từng người, cháu còn nhận ra quần áo, nơi “con là Lường Văn Hải thường ngủ”. Cả làng xôn xao: “Đúng là nhà này trước đây 4 năm có đứa con trai tên Lường Văn Hải đã mất, đúng vào dịp sinh con bé này”.
Lòng dạ của anh Bái rối bời, đợi đến gần tối thì con gái anh mới chịu theo về nhà. Trên đường đạp xe trở về, vừa sợ chuyện lạ kỳ vừa sợ mất con, anh ngã dúi dụi mấy lần. Người mẹ đẻ của cháu gái lúc về đến nhà ngồi trấn tĩnh lại mới nhớ lại đúng là có lần chị đi qua bản Nhót mua hàng và đó cũng chính là thời điểm chị có mang cháu.
Mấy hôm sau, bé gái liên tục bị ốm sốt cao, chẳng chịu ăn uống, miệng luôn đòi về “nhà ở kiếp trước”. Cuối cùng anh chị cũng phải chở cháu về nơi cháu đòi và vừa đến “nhà kiếp trước”, dù vừa ốm lăn lóc nhưng nay đã không còn biểu hiện gì của ốm sốt nữa, sắc mặt tươi tỉnh hẳn lên.
Anh Bái trầm ngâm: “Tôi phải mổ lợn làm 10 mâm cỗ để xin vía cháu về dưới này, tôi cũng chỉ có duy nhất mình cháu là con. Từ đó hai gia đình từ chỗ không quen biết nay trở thành thân thiết như hai anh em. Con bé khi nào thấy nhớ bố mẹ trên ấy là lại lên với bố mẹ, với anh, chán thì lại về đây. Những dịp lễ Tết, nghỉ hè có khi nó lên ở cả tuần, nếu lâu không lên là lại lăn ra ốm”.
Khách lạ len lén nhìn mặt cô bé “người Trời đầu thai” Mai Anh thì cô bé chợt khanh khách khiến giật thót mình: “Kiếp trước cháu là con trai đấy. Cháu có tới hai bố, hai mẹ và một anh trai, mọi người đều yêu thương cháu”.
Bỗng dưng con mình thành… con người khác
Trường hợp “người Trời đầu thai” trong nhà anh Hà Văn Tuốt và chị Hà Thị Tuỗn thì xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Anh chị năm nay đã ngoài 40 tuổi, có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược (21 tuổi) hiện đang theo bố làm nghề dựng nhà sàn. Mọi người cho biết chàng trai này cũng là “con truyền kiếp”.
Mẹ đẻ của Dược cho biết vợ chồng chị lấy nhau từ năm 1990, một năm sau đó thì sinh con trai. Năm lên 3 tuổi, đang chơi với các bạn ngoài sân, thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi qua, Dược nói với các mọi người: “Đấy là bác của em đấy”.
“Nghe bọn bạn nó nói lại nhưng vợ chồng tôi nghĩ là trẻ con nói nhảm nên cũng không để ý đến. Chuyện lạ xảy ra tới khi đi học mẫu giáo, mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm thì cậu bé đều nhắc đi nhắc lại: Nhà của con đây này”.
Thấy con nói liên thiên, cha mẹ đẻ thậm chí còn khi phát con đến đỏ mông nhưng sau đó, cậu bé bỗng lăn ra ốm và ngày ngày đều đòi bố mẹ đưa ra “nhà bố Xiêm”. Anh chị cũng đánh liều bế con đến nhà lạ và kỳ lạ thay, mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết mọi người trong gia đình lạ mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5 tháng tuổi và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.
Vợ chồng ông hàng xóm tên Xiêm cũng ngã ngửa người ngạc nhiên bởi những điều bí mật sâu kín đó chỉ có ông bà mới biết. Vậy là ông hàng xóm cũng làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi.
Cậu bé Dược nay đã trưởng thành và vẫn nhận mình là người “đầu thai”. Khi được hỏi: “Em có cảm giác gì khi nhận gia đình nhà lạ hươ lạ hoắc làm bố mẹ, các em”, cậu trả lời: “Em cũng chẳng biết vì sao nữa, nhưng khi gặp bố mẹ em ở kiếp trước thì em nhận ra một cảm giác gần gũi, thân thiết và sau đó em cứ nhớ dần đấy từng là bố mẹ và các em mình… Những lần bố mẹ bên ấy đau ốm em cũng đều có linh cảm báo trước”.
Bà mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu của tôi đã chết. Vợ chồng tôi sinh cháu đầu năm 1982 được 5 tháng thì cháu bị bệnh vàng da, dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang nhưng cháu không qua khỏi. Thật bất ngờ là cháu lại lộn vào làm con gia đình nhà hàng xóm. Với linh cảm của người mẹ, tôi nhận thấy Dược cũng giống như hai đứa con đẻ của tôi. Hoàn cảnh của gia đình bên ấy neo người nên gia đình tôi cũng chỉ nhận cháu làm con nuôi, khi nào nhà có công việc thì cháu mới tới”.
Con nhiều tuổi hơn… bố mẹ
Thế nhưng hàng chục năm qua, trường hợp “đầu thai” rùng rợn nhất mà mọi người thường nhắc đến là trường hợp xảy ra tại gia đình anh Khà Văn Ôn (bản Nà Sài). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trường hợp bất thường trong gia đình, anh Ôn xúc động thắp nén nhang, thì thầm đến trước di ảnh cô con gái Khà Thị Dịu Hiền (SN 2007) khấn con bằng tiếng dân tộc Thái. Trong di ảnh trước bàn thờ là một bé gái kháu khỉnh, được anh giới thiệu là “con đầu thai” của mình.
Anh Ôn nhẩm tính, nếu con mình còn sống thì đến nay đã được khoảng 5 tuổi 1 tháng. “Khi mới sinh ra cháu hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác trong bản. Lạ là lúc lên 3 tuổi, ai hỏi “Cháu con nhà ai, ở đâu?” thì cháu lại chẳng nói tên vợ chồng tôi mà nói: “Tên bố là Lò Văn Chún, mẹ là Hà Thị Nguyên, anh chị là Lò Văn Ngọc, nhà ở xóm Vãng, trên thị trấn Mai Châu” (cách đó gần chục cây số). “Thực sự trước đó đến tôi cũng chẳng biết những người này là ai, chứ nói gì đến nhà người ta như thế nào”, vẫn lời anh Ôn buồn rầu thuật lại.
Dù trước đó ở địa phương đã có những trường hợp “con đầu thai” nhưng anh chị vẫn không tin và chỉ nghĩ cháu còn nhỏ nên nói vu vơ. Thế nhưng thấy cháu nhắc nhiều quá thì buộc họ phải lần theo địa chỉ cháu “hướng dẫn” để tìm hiểu.
Cặp vợ chồng vô cùng kinh ngạc vì cháu bé mới hơn 3 tuổi nhưng cháu kể chính xác tên những người trong gia đình này, còn còn nói rõ trước nhà có cây dừa, nhà rộng 3 gian và tả cụ thể đường vào nhà như thế nào, phải qua bao nhiêu khúc quẹo. Anh Ôn khi đó ướm hỏi con: “Vì sao con lại theo bố mẹ về đây?”. “Con đã ở nhà cũ nhiều năm thì bị đuổi đánh nên chạy ra khỏi nhà. Lúc ấy gặp mẹ đang nấu cơm bên đường nên con theo mẹ về”.
Nghe con nói, anh chị giật mình, ngồi xâu chuỗi lại thời gian thì đúng là vào thời điểm đó anh chị đi công nhân làm đường trên địa bàn xóm đó và chị chuyên nấu cơm cho tổ công nhân. Đó cũng chính là thời điểm vợ anh mang thai.
Anh kể tiếp, khi con gái mình được 4 tuổi thì cháu có những hành động rất lạ như lục tìm và cắt nát hết những tấm ảnh của mình. Thời gian sau cháu kên đau đầu gối, anh chị đưa cháu lên bệnh viện khám, qua chụp X quang, theo kết luận của bệnh viện cháu bị khuyết xương đầu gối và viêm khớp. Bệnh viện khuyên anh chị nên đưa cháu về Hà Nội chữa trị.
Tại bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ đã điều trị và bó bột rồi cho về, hẹn gia đình sau hai tuần cho cháu lên kiểm tra lại. Tuy nhiên, đến ngày 5/6/2010, thấy cháu bệnh tình không giảm lại kèm theo sốt cao, anh chị đưa cháu xuống khám ở bệnh viện K. Qua khám bệnh kết luận, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa cháu về nhà chăm sóc, vì cháu bị bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu) hiện y học trên thế giới vẫn đang bó tay trước căn bệnh nan y này.
“Có điều lạ là dù cháu đau thế nào nhưng cháu đều mím môi chịu đựng không để bố mẹ và mọi người trong gia đình biết. Ông ngoại đến làm vía (cúng vía theo phong tục địa phương) cho cháu thì cháu bảo: “Con không khỏi bệnh đâu, ông cho con đi chơi nhà các cô, các bác”. Đến hôm sau thì cháu mất”, anh Ôn thuật lại.
Thế nhưng điều kinh hoàng nhất với vợ chồng anh Ôn xảy ra khi gia đình mời ông thầy mo trong bản đến làm lễ cúng ma cho con theo phong tục địa phương. “Ông thầy mo ban đầu gọi hồn là cháu thì kiểu gì cũng cúng không thành, phải đến khi gọi cháu là… chị thì mới ngồi làm lễ được. Thầy mo bấm tuổi rồi bảo chúng tôi: Người trời này hơn 40 tuổi, là con chúng mày nhưng còn… nhiều tuổi hơn cả chúng mày”, anh Ôn sợ hãi kể.
Anh Ôn hiện đang là cán bộ UBND xã Chiềng Châu, anh buồn rầu cho biết: “Vợ chồng mình làm cán bộ nên cũng không tin vào những chuyện ma quái. Nhưng thật sự chuyện con mình là như vậy. Nó là đứa con đầu thai, nó chê nhà mình nghèo, nó không ở thì mình cũng đành phải chịu”.
Để kiểm chứng câu chuyện của anh Ôn, chúng tôi cũng đã vượt quãng đường hơn 10 cây số tìm đến nhà anh Lò Văn Ngọc tại xóm Vãng được cho là người có cô em gái đã “đầu thai” làm con anh Ôn. Đúng như lời anh Ôn kể, đó là một căn nhà sàn 3 gian, phía trước nhà có cây dừa. Anh Ngọc cho biết: “Bố mẹ tôi chỉ sinh được hai anh em. Tôi sinh năm 1964, còn cô em gái sinh năm 1966 nhưng nó bị bạo bệnh mất sớm. Đêm con anh Ôn mất, chẳng hiểu vì sao mà cả gia đình tôi không ai ngủ được, cứ lục sục xuốt đêm. Về sau mới biết tin em gái mình đã đầu thai vào nhà dưới ấy”.
Cơ quan chức năng cũng chưa thế giải thích
Những “nghi án đầu thai” không phải là chuyện mới, và cũng đã từng có ý kiến cho rằng người ta dựng chuyện “đầu thai” để lợi dụng việc cho nhận con nuôi hay mục đích vụ lợi gì khác. Đem ý kiến này đến những người cao tuổi trong bản Chiềng Châu để hỏi, chúng tôi được cụ Hà Văn Thẩm (80 tuổi) cho biết, chuyện con đầu thai ở đây không phải giờ mới có, mà trước đây cũng đã có nhiều trường hợp như vậy.
Trước năm 1954, thời lang đạo và thực dân Pháp cai trị, có những người vì nhận nhà lang làm nhà mình nên cả gia đình bị nhà lang hãm hại vì sợ tranh giành quyền thế, nhiều gia đình phải bỏ đi biệt xứ hoặc bị đánh đến chết. Còn bây giờ muốn nhận con nuôi thì Nhà nước mình có cấm đoán gì đâu mà họ phải bịa chuyện để lách luật?”.
Một thầy lang cao tuổi khác trong xã cho biết: “Tôi đi chữa bệnh nhiều, gặp trường hợp như vậy nếu các cháu muốn nhận bố mẹ mà lại hay đau ốm luôn thì tôi cũng khuyên gia đình nên cho các cháu nhận. Điều lạ là hầu như các trường hợp con đầu thai đều rơi vào trường hợp con một và những bệnh các cháu mắc phải đều khó tìm ra nguyên nhân, nhưng khi nhận bố mẹ, anh em “kiếp trước” thì bệnh tình đều qua khỏi”.
Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: “Con luân hồi, đầu thai ở địa phương không phải là trường hợp cá biệt. Trong xã đã có nhiều trường hợp xảy ra và hai bên gia đình đều nhận anh em hoặc con nuôi. Tôi cũng nghe có nơi người ta nhận như thế cho hợp lý hóa việc nhận con. Nhưng ở Chiềng Châu, tôi khẳng định không có một trường hợp nào mang tính vật chất hay đánh đổi. Gần như những gia đình có con truyền kiếp đều có kinh tế khá hơn những gia đình các cháu nhận là gia đình kiếp trước”.
Cũng theo Chủ tịch xã Hà Trọng Lưu, việc nhận con nuôi như thế đã diễn ra nhiều năm nay ở địa phương, dù xôn xao dư luận nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, phong tục tập quán của người Thái ở đây.
“Vì vậy chúng tôi coi đó cũng là những câu chuyện hết sức bình thường giống như chuyện cây lúa trên nương, con thú trên rừng vậy. Có chăng bà con trong bản cũng chỉ nói: Thì ra con nhà ấy lại là con ông bà ở bản này, bản kia lộn về. Các gia đình sau đó đều nhận bố mẹ, anh em, con cái và coi nhau như người một nhà, quây quần đù bộc nhau qua sợi dây luân hồi – tiền kiếp”, nguyên văn lời ông Lưu.
Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn cũng xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là “đầu thai” ở huyện Mai Châu là có thật. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn một vài trường hợp ở huyện Lương Sơn và Lạc Sơn. Tôi cũng đã từng đến tận nơi tìm hiểu nhưng kết quả chỉ là ngạc nhiên và không giải thích nổi. Có những đứa trẻ khi sinh ra chẳng đi đâu mà biết rõ gia đình nhà người khác cách hàng chục cây số như trong lòng bàn tay, như việc mình đã trải qua”.
Theo ông Sơn, trong những trường hợp này dân gian sẽ dựa vào quan điểm Phật giáo để giải nghĩa. “Phật giáo không cho rằng con người chết là hết mà có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Cứ như thế con người vào vòng luân hồi không ngừng từ đời này qua đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Con người của quá khứ là nhân của con người hiện tại, con người hiện tại là nhân của con người tương lai. Dù khoa học chưa chứng minh được quan niệm này là đúng hay sai, nhưng những người tin theo quan điểm Phật giáo thì vẫn cho rằng có kiếp trước – kiếp sau”, ông Sơn cho biết.
(Theo PLVN)
Powered by Blogger.
Các con vật cho bé học, video dạy bé học nói, các con vật thân quen,các con vật giúp bé học nói