Người phụ nữ này cho biết mình có giác quan thứ 6 nhạy cảm, có khả năng nhìn thấy hình ảnh và cảm nhận được suy nghĩ của người đã khuất.
Người phụ nữ với khả năng đặc biệt
Nhìn thấy người chết là việc bình thường với bác sĩ và y tá làm việc trong các bệnh viện nhưng nhìn thấy hình ảnh và cảm nhận được suy nghĩ của người đã khuất lại là điều khiến người khác hiếu kỳ vì đến nay điều này vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục.
Bà mẹ hai con Debra Chalmers (36 tuổi) đã từ bỏ công việc làm y tá với thu nhập 50.000 bảng/năm (gần 1,7 tỷ đồng) để toàn tâm toàn ý cho công việc mới có liên quan giác quan thứ 6 của mình.
Theo Debra, cô nhận ra khả năng đặc biệt của mình từ năm 1999 khi nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ đã khuất đi lại trong bệnh viện và chạm tay vào rèm cửa trong khi các y tá đồng nghiệp chỉ thấy tấm rèm đung đưa.
Debra đến từ Spennymoor, County Durham, Anh Quốc, cho hay cô có giác quan thứ 6 và có thể nhìn thấy hình ảnh người đã khuất từ năm 3 tuổi nhưng khi đó cô còn quá nhỏ nên luôn cảm thấy sợ hãi. Phải đến khi trở thành y tá, Debra mới nhận ra đó là món quà quý giá mà mình đã được ban tặng. Với giác quan thứ 6, thậm chí cô có thể biết được người phụ nữ vừa đi qua có bầu hay không.
Debra có thể cảm nhận được suy nghĩ của người đã khuất hay những cơn đau và nỗi buồn của bệnh nhân. Cựu y tá này cho hay: “Tôi thường thấy nhiều bệnh nhân đã mất vẫn lang thang dọc hành lang bệnh viện. Nhưng tôi không thể nói với người khác, họ sẽ nghĩ rằng tôi bị điên.
Bình thường, tôi không tiết lộ những gì mình đã thấy, ngoại trừ một lần tôi nói với một cô thợ cắt tóc rằng cô ấy sẽ gặp biến cố lớn trong đời nhưng phải giữ vững niềm tin thì mới vượt qua được”.
Khả năng của Debra sau đó được nhiều người biết đến cùng với những lời mời cộng tác và khoản thù lao hứa hẹn trong mơ, tuy nhiên cô đều từ chối.
Thay vào đó, cô bàn bạc với chồng tổ chức các buổi nói chuyện về giác quan thứ 6 vào buổi tối để quyên góp tiền từ thiện. Buổi đầu tiên thành công ngoài dự kiến với 100 khán giả và khoản quyên góp 5.000 bảng (gần 170 triệu đồng).
Trong số các khán giả của Debra, nhiều người tìm đến chỉ với mục đích nghe những điều có vẻ kỳ bí không thực. Tuy nhiên một lần, khi chương trình đang diễn ra bỗng nhiên có một phụ nữ xin lên gặp Debra. Thì ra đó chính là cô thợ cắt tóc năm nào. Cô đã gặp một tai nạn nghiêm trọng nhưng nhờ nghe lời của Debra mà cô đã giữ vững niềm tin, kiên trì điều trị và đã khỏe mạnh.
Vẫn là ẩn số
Debra không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất có giác quan thứ 6. Nhiều trường hợp cũng đã từng được ghi nhận là có sự tồn tại khả năng đặc biệt này. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874 – 1965) đã một lần thoát chết trong trận đánh của không quân phát xít Đức nhờ giác quan thứ 6.
Năm 1944, khi máy bay của Đức ập đến, linh tính mách bảo khiến ông không chịu vào xe người tài xế đã nổ máy chờ sẵn mà vòng ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, chỗ ông vừa đứng.
Cựu Thủ tướng Churchill thoát chết nhờ giác quan thứ 6
Hay trường hợp của nhà thơ Nga Mikhail Yuryevich Lermontov (1814 – 1841) cũng là một minh chứng của giác quan thứ 6. Theo ông kể lại, khi còn là sĩ quan biên phòng ở Kabkaz, một hôm đang ngồi chơi bài với lính của mình thì ông thấy một người có vẻ mặt khác lạ.
Ông bèn nói với người đó rằng: “Có lẽ anh sắp chết bất đắc kỳ tử, anh nên ngủ lại đồn biên phòng, để mai hãy về”. Người lính này không tin và đã ra về. Kết quả là anh bị một người say rượu đâm chết trên đường.
Trên đây chỉ là 3 trong số các trường hợp đã được ghi nhận có liên quan đến giác quan thứ 6. Nhiều nhà khoa học tin rằng tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác “biết trước một điều gì”, điển hình là giấc mơ “điềm báo” cho những gì sắp xảy ra. Tuy nhiên, mức độ và tần suất “linh cảm” ở mỗi người không hề giống nhau.
Mặc dù hiện tượng “linh cảm” đã xuất hiện từ thời xa xưa và ngành khoa học nghiên cứu về giác quan thứ 6 đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải. Cho đến nay, giác quan thứ 6 vẫn là thách thức lớn khiến các nhà khoa học phải đau đầu để giải mã.
(theo afamily)
0 nhận xét:
Post a Comment